Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, còn được biết đến với tên gọi Chùa Lân hay Long Động Tự, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Hơn cả một điểm du lịch, Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là chốn bình yên, thanh tịnh, nơi du khách có thể tìm kiếm sự thanh thản và an yên trong tâm hồn. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh gắn liền với cuộc đời tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Cùng Top Quảng Ninh AZ khám phá Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử để trải nghiệm một không gian linh thiêng và hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Yên Tử bạn nhé.
1. Giới thiệu Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Đôi nét về Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Nằm trên cung đường hành hương Yên Tử, Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hiện lên như một viên ngọc ẩn mình giữa chốn linh thiêng, là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai tìm kiếm sự thanh tịnh và bình yên.
Chùa Lân còn mang tên chữ là Long Động Tự, tọa lạc trên triền núi có hình dáng Kỳ Lân nằm phủ phục, ẩn chứa nhiều truyền thuyết kỳ bí.
Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông cùng Bảo Sái trên đường vào Yên Tử, đã dừng chân nghỉ đêm tại đây. Ngài mộng thấy mình cưỡi rồng vàng bay vào động, nơi có hồ sen vàng tỏa ánh hào quang và tiếng nhạc du dương. Tỉnh giấc, hương thơm thoang thoảng và tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng, vua đặt tên nơi đây là Động Rồng. Sau này, chùa Long Động Tự được xây dựng tại vị trí này.
Là ngôi chùa thứ tư trên tuyến đường hành hương, Chùa Lân mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn. Nơi đây từng là chùa Trình của cả khu trung tâm chùa tháp ở Yên Sơn, thu hút đông đảo du khách và phật tử đến tham quan, cầu bình an.
Chùa Lân được xây dựng từ thời Trần, với quy mô khang trang, rộng lớn. Nổi bật với ngõ chùa to và đẹp, được xem là một trong ba cái nhất không thể so bì trong các ngôi chùa cổ thời Trần. Dân gian có câu: “Ngõ chùa Lân (to), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều)” cũng đủ thấy chùa Lân quả là một ngôi chùa có tiếng. Phía trước chùa là đồi núi nhấp nhô, dòng suối mát chảy, hai bên có dãy núi cao tạo thế tay ngai, phía sau lưng chùa có núi cao sừng sững làm hậu chẩm.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Chùa Lân vẫn giữ nguyên nét cổ kính, thanh tịnh. Đến với Chùa Lân, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian yên bình, thoát khỏi ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật. Lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng suối reo và tiếng chim hót líu lo, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn được thanh lọc và an yên.
Lịch sử Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Theo tư liệu lưu giữ tại chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, thủy tổ khai sơn chùa Long Động là Tổ sư Tuệ Hải Tịch Lãng. Trải qua 12 đời truyền thừa, Thiền phái Trúc Lâm đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức cho một giai đoạn hoàng kim thời Trần.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – Chùa Lân được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Vào năm 1293 ngài đã cho sửa sang lại tổng thể chùa Lân thêm trang trọng và uy nghiêm. Nơi đây vị Phật hoàng thường tụng kinh, giảng đạo cho chư tôn, tăng ni đến nghe. Lịch sử Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc.
Vào năm 1278, sau khi kế vị vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông phải đương đầu với hai cuộc xâm lược hung hãn của quân Nguyên Mông do Hốt Tất Liệt thống lĩnh. Dưới sự lãnh đạo tài tình của hai vị vua Trần và tài cầm quân xuất chúng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân ta đã đẩy lùi quân Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.
Năm 1288, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Anh Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng. Ông quyết định xuất gia tu hành, tìm kiếm con đường giác ngộ và chọn núi Yên Tử làm nơi thanh tu. Tại đây, Ngài đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, lấy tinh thần “tam quy”, “tứ hướng” làm nền tảng tu hành.
Thiền phái Trúc Lâm đề cao giá trị đạo đức, lấy con người làm gốc, hướng con người đến cuộc sống thanh tịnh, an nhiên. Nhờ những giá trị cốt lõi này, Thiền phái Trúc Lâm đã lan tỏa rộng khắp, góp phần to lớn vào việc tu dưỡng tâm hồn con người, xây dựng xã hội văn minh và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử có chức năng gì?
Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây dựng với 3 chức năng chủ yếu: Là Viện Nghiên cứu, bảo tồn tàng trữ các thư tịch, ấn phẩm văn hoá về Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Là nơi hướng dẫn tu Thiền cho Tu sĩ, Phật tử, và những ai muốn hành Thiền theo Thiền phái Trúc Lâm; Là nơi tham quan du lịch, hành hương lễ Phật của khách thập phương.
2. Cách đi đến Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Để đến Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, du khách có nhiều phương tiện di chuyển khác nhau:
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy)
Từ Hà Nội du khách đi theo lối đường cầu Chương Dương qua Nguyễn Văn Cừ, di chuyển theo QL18 để tới Bắc Ninh. Tiếp theo du khách chỉ cần đi thẳng, đến Chùa Trình rẽ sang trái, đi khoảng 10km sẽ dừng lại tại Yên Tử.
Di chuyển bằng xe khách
Từ Hà Nội du khách có thể bắt xe khách đi đến Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long. Sau đó, du khách bắt xe buýt hoặc taxi từ các thành phố này đến Yên Tử.
3. Kiến trúc độc đáo của thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử tọa lạc trên ngọn núi Yên Tử hùng vĩ, là một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ và uy nghiêm. Nơi đây được chia thành hai khu vực chính: Khu nội viện và Khu ngoại viện, với tổng diện tích hơn 362.000m2.
Khu nội viện (diện tích 125.198m2) là nơi sinh hoạt và tu tập của các tăng ni. Nơi đây bao gồm các công trình chính như: Thất Hoà thượng, thiền đường, thất Tăng, nhà Tăng, nhà ăn, nhà bếp. Tất cả đều được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, tạo nên không gian thanh tịnh và linh thiêng.
Khu ngoại viện (diện tích 237.077m2) là nơi tiếp đón du khách và Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Nơi đây bao gồm các công trình chính như: Tứ trụ, tam quan lầu chuông, lầu trống, chính điện, nhà Tổ, giảng đường, thư viện, nhà trưng bày, nhà khách, chai đường, nhà hóng mát, nhà khách Tăng, nhà khách Ni, tháp Phật, tháp Tăng, hồ nước, bãi để xe, trạm điện và công trình vệ sinh công cộng.
Ngõ vào chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử dài hơn một trăm mét được lát bằng đá suối, có đoạn dốc thoai thoải, có đoạn phải đi trên các bậc đá xếp. Tại đây có một công trụ bằng đá xanh mới được làm từ khi xây dựng lại chùa, có ghi “Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”.
Qua công trụ, tiếp tục đi trên các bậc đã xếp lên cổng tam quan xây hai tầng mái có ghi “chùa Long Động – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”. Tên chùa Lân hay chùa Long Động vẫn được sử dụng để người đời sau không quên tên gọi cũ của chùa. Hai bên lối vào chùa là mười chín ngôi tháp mộ sư được xây thành hai hàng cùng các chậu cây cảnh bốn mùa khoe sắc.
Sân chùa được lát bằng đá công nghiệp với kích thước lớn, có hai ngôi tháp mộ sư xây bằng gạch. Bên trái có lầu chuông, bên phải có lâu trống xây trên cấp nền cao chín bậc thềm, hình tứ diện, lan can đá xung quanh, hai tầng mái ngói. Chuông đồng nặng 1,4 tấn. Trống dài gần hai mét, đường kính mặt trống rộng gần một mét, được tạo bởi một thân gỗ liền khoét rỗng.
Trước cửa chính điện có một quả cầu như ý báo ân Phật tổ, do nhóm Phật tử Minh Hạnh Túc ở Hà Nội công đức ngày 16 tháng 4 năm Ất Dậu (2005). Quả cầu được làm bằng đá hoa cương màu đỏ, đường kính 1950mm, trọng lượng 6,5 tấn.
Đây là quả cầu có hình tròn gần như tuyệt đối, chỉ sai số 0,2mm. Đặt trên bệ đá granit có tiết diện vuông 4,5 tấn. Quả cầu có thể quay xung quanh mình nó theo các hướng bằng một máy bơm nước công suất nhỏ. Tất cả nằm trong bể nước hình bát giác với tâm bồn hoa và tâm vòi nước, tượng trưng cho bát chính đạo. Ngày 04 tháng 5 năm 2006, quả cầu như ý đã được ghi trong sách Kỷ lục Việt Nam.
Tòa chính điện được xây dựng theo kiểu khối hình vuông, chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói vảy màu nâu trầm, mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo truyền thống. Trên đỉnh nóc uy nghi là bánh xe luân hồi tượng trưng cho quy luật sinh tử tuần hoàn trong Phật giáo. Các đầu đao cong vút mềm mại như mây cuộn, tạo nên vẻ đẹp thanh tao và tinh tế cho công trình.
Bước qua chín bậc thềm đá xanh dẫn lối vào chính điện, du khách sẽ choáng ngợp trước không gian rộng lớn, thoáng mát và vô cùng thanh tịnh. Nổi bật giữa gian chính điện là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni uy nghi tọa thiền trên đài sen, tay cầm bông hoa sen để thuyết pháp. Tượng Phật được chế tác bằng đồng, nặng gần bốn tấn, là pho tượng lớn nhất trong quần thể di tích Yên Tử.
Hai bên tượng Phật là Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi, biểu tượng cho sức mạnh và trí tuệ của Phật pháp. Phía sau tượng Phật là bức tranh phù điêu đồng khổ lớn khắc họa hình ảnh cây Bồ đề và dãy núi Himalaya, nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo. Bức tranh như đưa du khách trở về với thời khắc thiêng liêng khi Đức Phật giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề.
Trước tượng Phật là bức cửa võng chạm trổ tinh xảo hình hoa thị và hoa dây đan xen uốn lượn, tô điểm thêm vẻ đẹp trang nghiêm cho gian chính điện. Trên tường chính điện là chín bức phù điêu đồng mô tả quá trình trụ thế, xuất gia, tu hành đắc đạo và nhập cõi niết bàn của Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi bức phù điêu là một câu chuyện, một bài học quý giá về con đường giác ngộ của Đức Phật.
Nhà Tổ nằm phía sau chính điện, cách một khoảng sân rộng chừng hơn 10 mét. Kiến trúc Nhà Tổ cũng theo kiểu vuông vức, chồng diêm hai tầng mái giống như chính điện. Trên cửa chính treo cuốn thư ghi “Tam Tổ Trúc Lâm”, thể hiện lòng tôn kính đối với ba vị tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Toàn bộ công trình bên trái phía sau tòa chính điện có công năng như một thiền viện phục vụ cho việc nghiên cứu, tu tập thiền và sinh hoạt của Tăng, Ni, Phật tử cùng những công trình hồ nước, cây xanh tạo cảnh quan thoáng đãng cho chùa.
4. Lưu ý khi tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là điểm đến tâm linh thanh tịnh, do đó, du khách cần lưu ý một số quy tắc sau để đảm bảo sự tôn nghiêm và không gian chung:
- Giữ gìn trang phục lịch sự: Không mặc quần áo quá ngắn, hở hang, thiếu tay áo. Nên chọn trang phục kín đáo, phù hợp với không gian tâm linh.
- Thể hiện sự tôn kính: Giữ im lặng, không nói chuyện to tiếng, cười đùa, hay tổ chức ăn uống, vui chơi tại khuôn viên Thiền Viện.
- Giữ gìn vệ sinh chung: Không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định.
- Bảo vệ di vật: Tuyệt đối không chạm vào, sờ mó các bàn thờ, tượng Phật, hay di vật trong Thiền Viện.
Kết luận:
Kết thúc hành trình khám phá Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn, lòng hướng thiện và niềm tin vào cuộc sống. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là biểu tượng cho tinh hoa văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hãy đến với Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử để trải nghiệm một hành trình tâm linh thật ý nghĩa.